Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Minh Tiến, 44 tuổi, hiện sống tại TP HCM, về những bất cập do việc xây nhà đi xin thiết kế của người khác.
Năm 2016, vợ chồng tôi đổi nhà nhỏ lên nhà to. Chúng tôi mua được một miếng đất rộng 83,7 m2 ở Gò Vấp. Trước giờ, anh em, bạn bè tôi xây nhà cũng nhiều, đa số toàn tự thiết kế mẫu, tự mua nguyên vật liệu, đôi khi còn xắn tay vào làm chung với thợ. Bản thân tôi cũng từng giúp người quen giám sát việc xây gần chục công trình, chủ yếu nhà một trệt một lầu và các dãy phòng trọ. Vì thế, khi vợ đề nghị thuê công ty thiết kế và thi công, như mấy đồng nghiệp của vợ, tôi gạt ngay, vì tôi tin tưởng mình tự làm được.
Trong khi đó, vợ tôi dò hỏi vài văn phòng tư vấn kiến trúc, thấy giá thiết kế dao động trên dưới 300.000 đồng/m2. Cô ấy nhẩm tính, chúng tôi định xây nhà 4 tầng, diện tích sàn khoảng 280 m2, tiền thiết kế rơi vào khoảng 80-90 triệu. Tiếc tiền, cô ấy không đả động gì đến thuê thiết kế nữa.
Tôi khoán việc làm hồ sơ xin phép xây dựng cho chủ thầu thi công, còn bản thân đi xin bản vẽ thiết kế một ngôi nhà 4 tầng của người quen rồi cùng ông chủ thầu xây dựng chỉnh sửa một số chi tiết để phù hợp với miếng đất nhà mình. Trong quá trình xây dựng, tôi điều chỉnh một số chi tiết nội thất hay thay đổi bố trí các phòng chức năng cho phù hợp với nhu cầu của gia đình.
Muốn ngôi nhà được như ý, tôi cũng tự mình lo việc mua sắm vật tư nguyên liệu, tự giám sát thi công. Vì ngân sách xây nhà dự kiến khoảng 1,5 tỷ, tôi chọn những vật liệu xây dựng có thương hiệu nhưng không quá đắt đỏ. Nhà hoàn thành sau nửa năm, chi phí đội lên so với dự tính hơn 200 triệu, một phần do thợ làm khá lâu vì phải vừa xây vừa sửa. Cộng thêm tiền mua sắm nội thất mới, tính ra vợ chồng tôi đã đổ vào đây gần 2 tỷ.
Tuy nhiên, dọn vào ở được một thời gian thì gia đình tôi bắt đầu thấy có một số vấn đề bất cập, nên tôi phải sửa lại nhà.
Đầu tiên là phòng ngủ của bố mẹ tôi đặt cuối tầng một, không có cửa sổ vì ba mặt giáp nhà hàng xóm, chỉ có một cái quạt thông gió nên khá bí, bố mẹ tôi kêu ngủ không ngon vì ngột ngạt, nhất là về mùa nóng nên phải đổi cho ông bà lên phòng của cậu cả, còn cậu cả lên phòng ngủ dành cho khách. Phòng của con ban đầu không có nhà vệ sinh riêng, nhưng ông bà muốn có để tiện đi vệ sinh ban đêm nên việc chuyển phòng kéo theo việc sửa nhà.
Tôi xin bản vẽ của ngôi nhà hướng Đông, mặt tiền khá thoáng, chỉ treo ít cây trên ban công, nhà vẫn mát. Tuy nhiên nhà tôi hướng Tây, treo vài chậu cây không đủ bớt nắng nóng. Vậy là tôi phải mua mành về che kín từ trần xuống sàn của mỗi tầng.
Ở trong bếp cũng có vài chi tiết đến lúc sử dụng chúng tôi mới biết là bất tiện. Muốn nhà đẹp, tôi làm tủ bếp cao sát trần, thành ra khi lấy hay cất đồ, vợ tôi đều phải bắc ghế đứng lên vì cô ấy thấp hơn tôi 20cm. Tạm thời thì tôi không sửa tủ bếp vì không biết sửa cách nào cho phù hợp, hạ xuống thấp hơn thì để lại khoảng trống phía trên trần nhà và nóc tủ trông sẽ rất xấu. Phòng ăn thì khá chật trong khi khu bếp lại chừa khá rộng rãi…
Nói chung là sau gần hai năm ở, tôi phải sửa chữa lặt vặt trong nhà khá nhiều, mà vẫn chưa thấy thực sự ưng ý. Tính ra, không thuê thiết kế, nhưng tôi không hề tiết kiệm được đồng nào, lại còn mất thêm thời gian sửa lỗi.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền (TP HCM) cho biết khoảng 10 – 15 % khách hàng đến gặp anh là nhờ “chữa cháy” do họ tự thiết kế nhà, và trong quá trình xây thô, đã nhận thấy sự bất tiện. “Vì lúc đầu, họ không thấy tổng thể, chỉ nhìn từng không gian nhỏ, đến khi ráp lại mới thấy bất hợp lý”, kiến trúc sư Truyền cho biết.
Cũng theo ông Truyền, ở những ngôi nhà do gia chủ tự thiết kế, các không gian thường không được bố trí một cách khoa học, khi ở sẽ gặp một số bất tiện, một số lỗi thường gặp như phòng tối quá, bức bí, diện tích không tương xứng nơi thì quá rộng, nơi thì quá hẹp… Dây chuyền công năng bị đảo lộn, chồng chéo giao thông.
Ví dụ, nhà phố xây một tầng, chủ nhà tự làm thường hay đi theo công thức lần lượt từ ngoài vào trong là phòng khách – phòng ngủ – rồi mới đến phòng bếp – phòng ăn – nhà vệ sinh. Điều này khiến phòng ngủ bị mất diện tích do phải dành để làm hành lang đi từ phòng khách đến bếp. Nếu kiến trúc sư thiết kế, mô hình sẽ là phòng khách – khu bếp, phòng ăn – rồi mới đến phòng ngủ và phía cuối sẽ có giếng trời. Lúc đó, ngôi nhà sẽ không mất diện tích cho hành lang, phòng ngủ sẽ sáng và thoáng hơn, phòng khách – ăn – bếp có thể liên thông để không gian rộng hơn.
Kiến trúc sư Truyền khuyên, nếu muốn tiết kiệm tiền thuê thiết kế, thay vì thuê trọn gói (từ bản vẽ mặt bằng, bản vẽ nội thất, thiết kế kết cấu điện nước, các hệ thống kỹ thuật khác, phối cảnh ngoại thất…), gia chủ có thể thuê vẽ mặt bằng bố trí các công năng phù hợp. Đó là cách tiết kiệm tối đa.
Còn kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tuấn (TP HCM) nhận thấy, khá nhiều gia chủ khi xây nhà thường chỉ quan tâm đến hình thức mà không chú ý đến giải pháp thiết kế nào sẽ phù hợp nhất. Họ có thể bê nguyên hình mẫu của một ngôi nhà mà họ thích về xây cho mình, nhưng không tính đến việc hướng nhà mình không giống nhà đó, hình dáng đất nhà mình, điều kiện thời tiết tại khu mình ở cũng khác.
Kiến trúc sư Tuấn kể nhiều người đến xin anh bản vẽ của một ngôi nhà anh đã thiết kế để về xây nhà họ. “Tôi sẵn sàng chia sẻ nhưng tôi phải nhắc họ rằng, thực sự họ không thể áp dụng bản vẽ đó vào nhà của họ vì mỗi thiết kế luôn được tính toán để phù hợp với điều kiện cụ thể của một ngôi nhà, từ đặc điểm tự nhiên của khu đất, không gian sống xung quanh đến văn hóa của gia đình đó và quan trọng nhất là ngân sách xây dựng. Một thiết kế nhà vì thế chỉ để dành cho đúng chủ nhân ngôi nhà ấy”.
Theo VnExpress